Tận dụng đồ nội thất cũ cho căn nhà
Sau khi ngôi nhà hoàn tất phần xây dựng, bạn bắt tay vào công việc mua sắm đồ đạc. Không phải lúc nào bạn cũng có một ngôi nhà trống trải và thực hiện hoàn toàn việc mua sắm đồ đạc đồng bộ từ đầu. Nhiều khi bạn phải sử dụng lại những đồ đạc từ nhà cũ chuyển tới, những đồ đạc còn tốt mà bạn không thể vứt bỏ. Trong khi đó, bạn lại muốn có được một nội thất hài hòa, như vừa được sắm mới toàn bộ, vậy bạn phải làm gì?
Kinh nghiệm khi mua sắm đồ nội thất cũ cho ngôi nhà mới
Nhiều người có thú vui mua sắm đồ đạc trong nhà nhưng không phải ai cũng hiểu được những quy luật nhất định để chọn lựa được những đồ đạc phù hợp. Nếu không lập ra một kế hoạch mua sắm, người ta không dễ gì chọn lựa được đúng đắn, nhất là trong thời buổi mà người bán hàng có cả ngàn lẻ một cách để “dụ dỗ” thượng đế mua hàng của họ.
Xác lập ý tưởng ưa thích
Trước tiên, bạn có thể ghi rất nhiều ra sổ tay mọi ý tưởng bạn chợt nghĩ trong đầu hoặc một ý tưởng nhìn thấy ở đâu đó. Sưu tầm mọi hình ảnh bạn thích trong một cuốn sổ. Sau khi có một hệ thống đầy ắp dữ liệu, bạn nên bắt đầu chọn lọc ra những hình ảnh bạn thích nhất. Rồi bạn bắt đầu “gắn kết” chúng lại bằng cách loại bỏ những đồ bạn cảm thấy không ăn nhập với tương quan chung. Hãy làm điều này một cách cương quyết, bởi vì có thể bạn sẽ rất tiếc khi phải bỏ chúng. Nhưng bạn hãy nhớ làm tốt điều này, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc rất nhiều.
Một kế hoạch trang trí nội thất tốt xoay quanh một nhóm sản phẩm và màu sắc chủ đạo, ví dụ như đồ gỗ cổ điển sẽ quyết định gam màu sơn tường nóng, ấm, không thể hòa sắc rực rỡ. Những phần không phù hợp nhưng chỉ là chi tiết nhỏ, chưa chắc đã cần phá dỡ mà chỉ cần làm cho chúng nhẹ bớt bằng cách sơn cùng màu với tường hay trần nhà. Có rất nhiều yếu tố được thực hiện sau cùng, nhưng lại phải quyết định từ rất sớm, khi bạn đang hình thành ý tưởng. Tránh tối đa sự không ăn nhập khi bạn đã lỡ chọn một màu sơn mạnh, trẻ trung trong khi đồ gỗ lại mang kiểu dáng cổ điển.
Như vậy là bạn đã hình thành được ý tưởng bài trí nội thất. Sau đó, bạn lên sơ bộ nhu cầu của bạn về tất cả các đồ nội thất. Những đồ đã có còn phù hợp được giữ lại. Những đồ đã cũ, không phù hợp bạn nên kiên quyết loại bỏ. Bạn có thể lập một kế hoạch bao gồm những thứ cần mua ngay và những thứ có thể để sau này. Đồ đạc nội thất khi được đặt vào đúng không gian của chúng cho thấy “gout” tốt của gia chủ.
Xem xét lại toàn bộ đồ đạc đã có
Việc trước tiên là xem lại những đồ đạc mà bạn đang còn sử dụng. Nếu như chúng là những đồ đạc có hình khối lớn như tủ, giường trong phòng ngủ hoặc bộ bàn ghế trong phòng khách, kiểu dáng của chúng sẽ quyết định phòng cách nội thất của bạn. Bạn phải tự lựa chọn những đồ đạc phù hợp với chúng để có được sự hài hòa giữa các đồ cũ và các đồ mới sắm. Ví dụ bạn đã có một bộ giường sắt uốn kiểu hoa văn tinh xảo cổ điển, không nên chọn tủ quần áo bằng gỗ công nghiệp hiện đại với những đường nét thẳng đơn giản. Hoặc bạn đang dùng bộ sopha bằng vải thô với chiếc bàn nước bằng kính chân sắt uốn, bạn đừng đặt thêm vào không gian phòng khách chiếc tủ chè kiểu cổ phương Đông.
Mặc dù tách riêng từng đồ đạc, chúng rất đẹp và giá trị, nhưng khi đối chọi về kiểu cách vô hình bạn đã làm giảm giá trị của chúng. Như vậy sử dụng đồ cũ đang dùng hay mua đồ đạc mới cần được tuyển lựa kỹ càng, cần nhắc cả về giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và kinh tế. Quá trình này cần được thực hiện ngay trước khi bạn đi mua sắm để khi đó ý tưởng hình thành rõ ràng trong đầu bạn, khiến bạn không vội vã lao vào những đồ vật không cần thiết hoặc sẽ lạc hậu trong ngôi nhà bạn.
“Tỉnh táo” khi đi mua sắm
Đã lên kế hoạch như vậy, khi đi chọn lựa, bạn phải sử dụng nó để điều chỉnh ý thích của bạn trước những đồ vật bắt mắt. Bạn cần nhớ rằng đồ đạc được bày bán trong của hàng luôn có dụng ý và khiến cho người ta phải thích thú. Chúng được xếp đặt ở những vị trí tôn được vẻ đẹp của nó. Có thể những chiếc giá để báo nhỏ xinh làm bạn thích nhưng khi bạn đã có tủ kệ thì nó sẽ thừa. Nếu hầu bao của bạn không được dư dật, có thể bạn phải tập trung vào những món đồ thiết yếu trước. Bạn sẽ tự cân nhắc giữa chốn ngủ, nơi ăn, điều gì là quan trọng nhất trong sinh hoạt của bạn. Với nhiều người, việc phô bày cho khách ấn tượng về chủ nhân mới là quan trọng, nên họ tập trung dành phần lớn đồ đạc vào phòng khách. Nhưng nếu bạn là người muốn hưởng thụ cuộc sống một cách tốt nhất, hãy quan tâm đến các bố trí tiện nghi trong phòng toilet.
Kích thước của đồ vật phải phù hợp với không gian nhà bạn. tốt nhất là bạn vẽ lên sơ đồ mặt bằng nhà (thường thì kiến trúc sư khi thiết kế nhà bạn đã bố trí đồ nội thất). Nấu bạn đã có cơ bản đồ đạc, hãy nghiên cứu phong cách của chúng thuộc loại cổ điển hay hiện đại, để mua thêm những đồ phù hợp. Liên tục kiểm tra lại ngân quỹ của bạn sau từng giai đoạn mua sắm. Nếu như bạn dư được một khoản, bạn có thể sử dụng vào mục đích những đồ đạc nhỏ hơn, mang tính trang trí nhiều hơn. Đừng nghĩ rằng bạn co thể chủ động được ngân sách này, vì những người có thú đam mê đồ nội thất thường bị cuốn đi theo sự bắt mắt, sinh động của sản phẩm và những lời lẽ thuyết phục của các nhân viên bán hàng.
Nhiều người nhận thấy rằng có những đồ vật rất đẹp khi còn ở cửa hàng, nhưng khi đặt trong nhà mình lại thấy không còn đẹp như trước. Sự “xuống cấp” đó là có thật bởi đồ đạc trong showroom là một không gian được sắp đặt một cách chuyên nghiệp nhất. Từ vị trí, ánh đền chiếu sáng, cách bày biện đến khung cảnh xung quanh đều góp phần lớn đến cho bắt mắt của sản phẩm. Do đó, bạn nên quan tâm đến tính phù hợp của từng đồ vật trong không gian mà bạn sẵn có. Mọi thức đồ sắm mới phải đồng điệu, chỉ nên bổ sung vào chứ không nên phá vỡ tính hài hòa mà bạn sẵn có.
Với nhiều người, việc chọn lựa sắp xếp đồ đạc trong nhà không phải là đi mua sắm thêm mà cần giảm bớt số đồ đạc dư thừa sẵn có. Đó là tình trạng những gia đình chất chồng quá đáng các loại đồ có trong các căn phòng “phát phì” về đồ đạc.
Hình thức, chất lượng quyết định giá cả
Có rất nhiều đồ đạc đẹp nhưng tính hữu dụng không nhiều, hoặc chất lượng thấp. Bạn cần tìm hiểu kỹ có phù hợp với sở thích và mục tiêu mua sắm đồ của bạn. Nếu bạn muốn sử dụng lâu dài, không nên dùng những sản phẩm từ gỗ tự nhiên. Đừng quên rằng hình thức, chất lượng chính là phần quan trọng quyết định giá cả mỗi món đồ.
MẸO NHỎ: Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau
- Bạn cần gì? Những thứ thiết yếu?
- Những thứ bạn thích?
- Nên bỏ bớt gì?
- Các món đồ mua sẵn có phù hợp với không gian bạn có?
- Chúng có tính hữu dụng hay chỉ là vật trang trí?
- Giá cả có nằm trong ngân quỹ cho phép?
>> Xem thêm: Cũ giá rẻ
Tận dụng nội thất cũ cho ngôi nhà mới xây
Ngôi nhà rộng hơn 80 m2, gồm 4 tầng. Nhiều đồ nội thất được mang từ nhà cũ sang, giữ được những kỷ niệm thân thương nhưng không làm mất đi vẻ sang trọng của ngôi nhà.
Phòng khách, bếp ăn được bố trí tại tầng 1. Khi gia đình có việc, nơi đây có thể tạo thành một không gian lớn.
Phòng khách nhẹ nhàng với bộ sofa đơn giản về cả hình thức và màu sắc. Vách gỗ, hệ rèm đi theo cửa nhôm kính, lan can cầu thang tạo thành một tổng thể hài hòa, cân đối.
Phòng bếp trang nhã với đồ đạc giản dị, mang phong cách bếp phương Tây. Không gian tạo cảm giác sạch sẽ, ngon mắt.
Phòng làm việc sử dụng bộ bàn ghế mang từ nhà cũ qua, từng mang nhiều may mắn cho gia chủ.
Trong phòng cũng điểm thêm một số chi tiết như chặn sách, bình hoa, mô hình thuyền, tượng gốm... để không còn cảm giác trống trải.
Phòng ngủ của hai con gái với chiếc giường tầng yêu thích của các bé. Đây là món quà mà bố tặng các em, được đem từ nhà cũ qua.
Không gian học và chơi cũng được quan tâm. Các đồ nội thất mang sắc màu sinh động, nữ tính nên sơn tường sử dụng tông trắng xuyên suốt.
Phòng ngủ của vợ chồng không quá lớn, với thiết kế nội thất lấy gam trầm làm chủ đạo. Sắc trắng đan xen tạo vẻ tao nhã, tinh tế và rộng rãi cho toàn không gian. Hệ tủ tường được làm âm, cùng cách bố trí gọn tạo cảm giác căn phòng rộng hơn diện tích thực.
Đây là phòng ngủ phụ sử dụng trong trường hợp gia đình có khách đến chơi. Không gian này cũng sử dụng một số đồ đạc mang nhiều kỷ niệm từ nhà cũ sang.
Nguồn: http://cugiare.com/tan-dung-do-noi-that-cu-cho-can-nha-119.html
Đăng bởi Kiều Tiên Tags: mua đồ nội thất, đồ nội thất, đồ nội thất cũ